GEOTEC HANOI 2019: Trình diễn hàng trăm giải pháp nền móng tối ưu cho kết cấu hạ tầng
Hội nghị quốc tế GEOTEC HANOI 2019 đang diễn ra sẽ tập trung thảo luận về 6 chủ đề chính bao gồm: Móng sâu, hầm và công trình ngầm, gia cố nền đất, mô hình số và quan trắc địa kỹ thuật, trượt lở và xói mòn, kỹ thuật nền móng bờ sông, bờ biển.
Trong hai ngày 28 và 29/11/2019 diễn ra GEOTEC HANOI 2019 – Hội nghị quốc tế lần thứ tư về lĩnh vực Địa Kỹ thuật và Hạ tầng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
GEOTEC HANOI 2019, được tổ chức bởi Công ty FECON, Hội địa kỹ thuật công trình Việt Nam, trường đại học Thủy Lợi và Công ty Kokosai Kogyo Nhật Bản dưới sự bảo trợ của Tổ chức hợp tác Quốc tế Nhật Bản ( JICA) và Hội địa kỹ thuật công trình Thế giới. Tại hội nghị lần này bên cạnh 4 chủ đề đã trở thành truyền thống như Móng sâu, Hầm và Công trình ngầm, Gia cố nền đất, Mô hình số và Quan trắc địa kỹ thuật, sẽ mở rộng đến 2 chủ đề mới trong phát triển bền vững đang rất được quan tâm hiện nay là Trượt lở & Xói mòn, và Kỹ thuật nền móng bờ sông, bờ biển.
Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch FECON, Trưởng Ban tổ chức Hội nghị cho biết, Việt Nam là nước nằm trong khu vực địa lý có nhiều đe dọa về thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt điều kiện địa chất rất phức tạp dẫn đến chúng ta phải đối mặt với những vấn đề không bền vững liên quan đến xây dựng, vận hành và khai thác các loại công trình trên toàn quốc.
Với điều kiện địa chất phức tạp, đối với mỗi loại công trình việc lựa chọn giải pháp nền móng tối ưu cho kết cấu hạ tầng là vô cùng quan trọng. Các giải pháp nền móng được quyết định qua nhiều khâu từ nghiên cứu khảo sát địa hình địa chất, cho đến thiết kế lựa chọn giải pháp, ứng dụng công nghệ phù hợp để thi công xây dựng và sử dụng trong quá trình khai thác. Nhiệm vụ của các nhà khoa học, các nhà làm chuyên môn chúng ta là tìm ra giải pháp và áp dụng công nghệ tối ưu cho mỗi yêu cầu cụ thể, nhằm mục tiêu cùng một lúc thỏa mãn 3 tiêu chí cho mỗi công trình: an toàn bền vững, thân thiện môi trường với giá thành thấp nhất.
Trong chiến lược phát triển đến 2030 tầm nhìn 2045 của Chính phủ, Việt Nam sẽ trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, vì vậy có nhu cầu rất cao trong việc phát triển hạ tầng, phát triển công nghiệp và phát triển đô thị trên toàn quốc. Phát triển mạnh mẽ luôn tiền ẩn nguy cơ không bền vững, là một thách thức đối với mọi Quốc gia và cuộc sống của con người. Đặt ra cho chúng ta nhiệm vụ vô cùng quan trọng là thúc đẩy phát triển trên môi trường cạnh tranh, đồng thời phải ngăn chặn mọi nguy cơ dẫn đến không bền vững. Các nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp nói chung, các nhà tư vấn, nhà thầu về hạ tầng & chuyên ngành nền móng và công trình ngầm nói riêng không thể đứng ngoài nhiệm vụ đó. Một trong những con đường nhanh nhất để có thể thực hiện nhiệm vụ đặt ra là áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, tri thức tiên tiến trong từng hành động và từng sản phẩm cụ thể.
Lĩnh vực Địa kỹ thuật, mặc dù là một lĩnh vực chuyên môn hẹp trong các ngành công trình nhưng lại có tính bao trùm tương đối, là giao diện thú vị giữa khoa học công trình với khoa học địa chất, bởi tất cả các loại công trình đều cần đến tri thức của lĩnh vực này. Việt Nam chúng ta đang sở hữu khá nhiều nhà khoa học, các nhà chuyên môn công trình, kỹ sư thiết kế, kỹ sư thi công có hiểu biết về địa kỹ thuật công trình, đồng thời chúng ta cũng sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến áp dụng phổ biến trên thế giới cách đây 20-30 năm,
Ông Phạm Việt Khoa cho biết, hội nghị GEOTEC HA NOI nhằm 3 mục tiêu chính: Góp phần rút ngắn khoảng cách về khoa học công nghệ giữa Việt Nam và các nước phát triển trong ngành Địa kỹ thuật công trình. Bên cạnh đó, GEOTEC tạo ra một sân chơi để các nhà khoa học trong nuớc và Quốc tế kết nối với nhau, có cơ hội giao lưu học hỏi, cùng nhau không ngừng phát triển. Đồng thời, tạo ra một diễn đàn trong đó có sự tham gia của 3 nhà: Nhà quản lý, Nhà khoa học và Doanh nghiệp để nhanh chóng vận dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào triển khai các nhiệm vụ cụ thể nhằm mục tiêu mỗi dự án đều đạt được cùng một lúc 3 tiêu chí là: an toàn bền vững, thân thiện môi trường với giá thành thấp nhất.
Sau thành công của 3 Hội nghị trước đây diễn ra vào các năm 2011, 2013, 2016, Hội nghị lần này, có 160 diễn giả đến từ trên 40 nước trên thế giới, trong đó có các giáo sư hàng đầu giảng bài quan trọng và các bài báo cáo nổi bật. Hội nghị đã được Nhà xuất bản Spinger đồng ý xuất bản E-proceedings cho 185 bài báo khoa học, trong đó: Nhật Bản đóng góp nhiều nhất với 62 bài, Việt Nam 47 bài, Hàn Quốc 14 bài.
Đặc biệt, 6 bài giảng quan trọng đại diện cho 6 chủ đề của Hội nghị năm nay sẽ được trình bày bởi 6 giáo sư hàng đầu thế giới: GS Delwyn G. Fredlund (Canada), GS Adam Bezuijen (Bỉ), GS Harry Poulos (Australia), GS Lidija Zdravkovic (Anh), GS Mark F. Randolph (Australia) và GS Masaki Kitazume (Nhật Bản).
Đỗ Quyên